Tuyên Quang thời phong kiến (từ thế kỷ X - XV): Đấu ...

06/06/2024 - 09:01
433

- Thời Lý - Trần - Hồ, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số là khá mềm mỏng, nhất là việc thông qua chính sách ràng buộc hôn nhân đã lôi kéo ...

Đấu tranh xã hội

 

Thế nhưng bằng sự khôn khéo, nhà Lý cũng không phải đã mua chuộc được hết các tù trưởng địa phương. Sự ràng buộc của chính quyền trung ương với các dân tộc thiểu số miền biên viễn dẫu sao cũng chỉ là hình thức; ngoại trừ việc cống nạp lâm, thổ sản, thực quyền cai trị ở các địa phương xa xôi vẫn là các tù trưởng thiểu số. Vì những bất bình với triều đình, hoặc giả không chịu nổi sự bóc lột về kinh tế, chèn ép về chính trị... các thủ lĩnh địa phương sẵn sàng chống lại chính quyền trung ương. Dưới thời Lý có khá nhiều cuộc nổi dậy của các dân tộc thiểu số. Trước những tình thế này, nhà Lý đã áp dụng một chính sách khác hẳn: trấn áp không khoan nhượng.

 

Ngay sau khi vừa lên ngôi được một năm (1011), khi bộ lạc Cử Long ở miền Châu Ái (Thanh Hóa) nổi dậy, Lý Thái Tổ đã đích thân đi đàn áp. Sau cuộc tàn sát dã man, quân triều đình đã bắt sống người cầm đầu và dập tắt ngay cuộc nổi dậy của bộ lạc này.

 

Sau vụ nổi dậy của bộ lạc Cử Long 2 năm, năm 1013, các dân tộc thiểu số ở châu Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nổi dậy liên tục 2 lần cũng bị triều đình đàn áp.

 

Năm 1022, bộ lạc Đại Nguyên ở miền biên giới nổi dậy cũng bị Dực Thánh Vương đàn áp.

 

Năm 1024, các dân tộc thiểu số ở Phong châu (Vĩnh Phúc, Phú Thọ) và Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên (Tuyên Quang) nổi dậy cũng bị Thái tử Phật Mã đánh tan.

 

Đến đời vua Lý Thánh Tông cũng phải 5 lần thân chinh đem quân đi trấn áp vùng biên viễn.

 

- Năm 1029 và 1035 ở Châu Ái.

 

- Năm 1031 ở Hoan châu (Nghệ An).

 

- Năm 1033 ở châu Định Nguyên (Yên Bái).

 

- Năm 1037 ở đạo Hàm Tây (vùng Tây Bắc ngày nay).

 

Vua Thánh Tông trị vì sau đó cũng liên tục chinh phạt các vùng động Ma Sa (Đà Bắc Hòa Bình), động Sa Đãng châu Mường Quán (Sơn La), v.v. khi đồng bào các dân tộc ở đó nổi dậy chống triều đình vào các năm 1061, 1064, 1065, 1084...

 

Tại Tuyên Quang cũng có các tù trưởng chống lại triều đình trung ương, tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của châu mục Hà Án Tuấn (Cương mục chép là Hà Trắc Tuấn). Sử cũ chép lại sự kiện này như sau: “Quý Sửu, (1013),... mùa đông, tháng 10, châu Vị Long làm phản, hùa theo người Man (Nam Chiếu). Vua thân đi đánh. Thủ lĩnh là Hà Án Tuấn sợ, đem đồ đảng trốn vào rừng núi” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.I, tr.243, 244). Năm 1014, Vua Lý điều động Dực Thánh Vương đi đánh châu Vị Long. Ngay năm sau, sách Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi sự kiện: “Ất Mão, (1015),... Xuống chiếu cho Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân (Châu Đô Kim ngày nay thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Châu Vị Long thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Châu Thường Tân chưa xác định được là huyện nào trong tỉnh Tuyên Quang hiện nay), Bình Nguyên, bắt được thủ lĩnh là Hà Án Tuấn đem về kinh sư chém đầu bêu ở chợ Đông” (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, t.I, tr.243, 244). Năm 1037, các sách sử cũng ghi lại sự kiện Vua Lý cử Khai hoàng vương làm Đại nguyên soái, đem quân đi trấn áp các châu Đô Kim, Thường Tân, Bình Nguyên.

 

Nguyên nhân của các cuộc nổi dậy bắt nguồn từ lợi ích kinh tế. Điều này được đoán định thông qua ghi chép của Cương mục: “Người Mán đến châu Vị Long đổi chác, mua bán, nhà vua sai người đến bắt, tước được hơn một vạn con ngựa. Đến đây, Hà Trắc Tuấn làm phản, lại ngả theo người Mán” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Sđd, t.I, tr.291).

 

Tuy thế, cuộc nổi dậy của Hà Án Tuấn (Hà Trắc Tuấn) bị dập tắt ngay và không gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

 

Kháng chiến chống giặc giữ nước

 

- Kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 - 1077):

 

 

Lược đồ đường tiến công thành Ung Châu của Lý Thường Kiệt 1075 (mũi tên màu đỏ), quân Tống 1077 (mũi tên màu xanh).

 

Sau cuộc xâm lược nước ta lần thứ nhất (981) bị thất bại, năm 1075 nhà Tống nhân cơ hội Vua Lý mới lên ngôi còn nhỏ tuổi, liền chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai.

 

Theo dõi chặt chẽ âm mưu và hành động của nhà Tống, Lý Thường Kiệt đã chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Thực hiện chủ trương “tiên phát chế nhân”, cuối năm 1075, Lý Thường Kiệt (Lý Thường Kiệt (1019 - 1105), quê ở phường Thái Hòa, Hà Nội. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Lý dưới thời Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, và đặc biệt dưới thời Vua Lý Nhân Tông ông đã làm tới chức Phụ Quốc Thái úy giữ cương vị như một Tể Tướng. Ông là người có nhiều công lao đóng góp trong sự nghiệp phá Tống, bình Chiêm bảo vệ đất nước ở thời Lý) trực tiếp chỉ huy 10 vạn quân thủy, bộ của ta bất ngờ tập kích vào các căn cứ của quân Tống mà trung tâm là thành Ung Châu.

 

Ngày 18-1-1076, ta bao vây thành Ung Châu và sau 42 ngày công phá dữ dội, ngày 1-3-1076, quân ta đã hạ thành. Sau đó, Lý Thường Kiệt cho rút quân về nước và chuẩn bị cuộc kháng chiến chống Tống.

 

Thành Ung Châu nằm ở nơi tiếp giáp của hai con sông Tả Giang và Hữu Giang (Nam Ninh - Quảng Tây); cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu (Quảng Đông) và các trại sát biên giới vùng Đông Bắc Đại Việt như Hoành Sơn, Thái Bình, Vĩnh Bình, Cổ Vạn, Thiên Long đã được quân Tống xây dựng thành những căn cứ hậu cần và quân sự chuẩn bị cho việc xuất quân xâm lược Đại Việt.

 

Trong cuộc tiến công này, theo văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi, châu mục họ Hà ở Vị Long đã góp nhiều công sức.

 

Sử sách không chép cụ thể những đóng góp của Tuyên Quang vào cuộc kháng chiến chống Tống, trừ cuộc tấn công vào ba căn cứ ở biên giới Ung Châu, Khâm Châu, Liêm Châu. Nhưng qua chính sách “ngụ binh ư nông”, đi đến đâu cũng tuyển binh đến đấy và chính sách nhu viễn, thu phục các tù trưởng vùng biên giới của triều đình nhà Lý, cũng có thể phần nào hình dung được những đóng góp sức người và sức của nhân dân Tuyên Quang cho quân đội.

 

Công lao của nhân dân Tuyên Quang nói chung và thế lực các thủ lĩnh họ Hà ở châu Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) nói riêng đã được nhà Lý ghi nhận và ban thưởng.

 

Việc đóng thuyền cho quân thủy và góp phần cung cấp những tay cung nỏ thiện xạ cho quân đội đã được ghi chép vào năm 1204 như sau: “Trước đây, Dĩ Mông đắp lũy xong, làm vài chục chiếc thuyền lâu, sai những tay bắn cung ở Phú Lương nấp trên thuyền ấy, lấy dây dài buộc ở sau thuyền rồi hạ lệnh: Giặc tới thì chèo thuyền qua sông mà bắn, nếu bất lợi thì kéo thuyền về” (Việt sử lược, bản dịch của Trần Quốc Vượng, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1963, tr.170). Có thể thấy là, thuyền lâu gắn chặt với chiến thuật dùng cung nỏ đánh thủy của quân đội trước đây. Các vùng dân tộc thiểu số tiếp giáp với trung du, đồng bằng được nhà Lý cũng như nhà Trần sau này rất chú trọng khai thác.

 

Kháng chiến chống Tống của quân và dân ta hoàn toàn thắng lợi, chấm dứt vĩnh viễn dã tâmxâm lược Đại Việt của nhà Tống.

 

- Kháng chiến chống Mông - Nguyên thời Trần (thế kỷ XIII)

 

Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất, Tuyên Quang chỉ là nơi quân giặc Mông Cổ chuyển quân qua địa phận. Sử cũ không chép cụ thể nhưng cũng có thể thấy cùng với nhân dân cả nước, đồng bào Tuyên Quang đã đóng góp công sức vào cuộc chiến tranh toàn dân chống quân xâm lược Mông - Nguyên.

 

 

Cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258) của đế quốc Mông Cổ đã bị thất bại thảm hại.

 

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, năm 1285, nhân dân Tuyên Quang đã góp phần cùng các đạo thổ binh của các tù trưởng vùng Tây Bắc chặn cánh quân địch từ Vân Nam xuống. Chiêu văn vương Trần Nhật Duật chỉ huy quân đội triều đình đóng quân tại trại Thu Vật (vùng Yên Bình, Yên Bái ngày nay). Giặc tiến công từ nhiều phía, quân ta giao chiến rồi rút lui. Quân của Nhật Duật đi theo thuyền xuôi về phía dưới. Trong trận quân Nguyên đánh vào vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Đặc, một phụ đạo người địa phương đã dũng cảm mang quân đánh trả. Hà Đặc đã dùng nhiều kế làm cho quân giặc hoảng loạn, mất tinh thần. Cứ ban đêm, các đạo dân binh đem những hình nộm người đan bằng tre, có vóc dáng cao lớn, mặc áo, dẫn ra dẫn vào bên ngoài trại giặc. Quân Hà Đặc còn lấy những cây to, khoét lỗ rồi cắm những mũi tên nỏ để giặc tưởng ta có những tên nỏ có sức mạnh xuyên qua thân cây nên khiếp sợ. Trong một trận giáp chiến với quân Nguyên, Hà Đặc đã hy sinh, sau đó em ông là Hà Chương tiếp tục chiến đấu, bị giặc bắt. Sau lại trốn thoát, Hà Chương tiếp tục chỉ huy dân binh đánh giặc.

 

Khi quân Nguyên - Mông thua to ở bến Đông Bộ Đầu, hoảng loạn rút về khu vực trại Quy Hóa, bị chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người dân địa phương chặn đánh. Cuộc kháng chiến thắng lợi, Hà Bổng đã được triều đình phong tước hầu.

 

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của quân, dân Đại Việt ở Tuyên Quang còn được phản ánh qua nội dung bài ký trên quả chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc. Bài minh chuông do đạo sĩ Hứa Tông Đạo (người Trung Quốc) là môn khách của Trần Nhật Duật soạn vào năm Đại Khánh thứ 8 triều Trần Minh Tông (1321). Nội dung bài minh chuông đặc biệt có ý nghĩa khi tìm hiểu về lịch sử nước ta thời Trần, trong đó có nhắc đến địa danh Tuyên Quang: Cuối đông năm Giáp Thân (1284), giặc Bắc đến xâm lược. Bấy giờ Khai quốc vương (tức Trần Nhật Duật) trấn thủ các lộ Tuyên Quang ở sông Bạch Hạc cắt tóc thề nguyện với thần linh đem hết tấm lòng trung để báo ơn vua (Dẫn theo Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm: Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII, Sđd, tr. 205).

 

Cuối năm 1287, nhà Nguyên lại xâm lược Đại Việt lần thứ ba. Nhà Trần đã lập phòng tuyến trên sông Bạch Đằng và Vạn Kiếp trên Lục Đầu giang. Trận đại thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 của quân dân Đại Việt đã làm sụp đổ hoàn toàn ý chí xâm lược Đại Việt của đế quốc Mông - Nguyên. Trong thắng lợi chung ấy, quân dân Tuyên Quang đã đóng góp một phần không nhỏ.

 

- Kháng chiến chống quân Minh xâm lược

 

Ngay từ giữa năm 1407, khi nền đô hộ của nhà Minh vừa được thiết lập đã phải đối phó với phong trào đấu tranh rộng lớn khắp từ miền xuôi lên miền ngược.

 

 

Giặc Minh kéo vào xâm lược nước ta.

 

Năm 1410, ở miền núi, nghĩa quân “áo đỏ” tiến công huyện Đại Từ. Chính quyền đô hộ ra lệnh cho tên Đồng Tri phủ Thái Nguyên Ma Bá Hổ đàn áp nghĩa quân và đồng thời bắt bọn thổ quan phủ Tuyên Hóa (Tuyên Quang) là Lương Sỹ Vinh, Hoàng Công Dịch điều động thêm 1.000 quân tinh nhuệ phối hợp với Ma Bá Hổ lên đàn áp. Cùng với nhân dân Thái Nguyên, nhân dân Tuyên Quang cũng phối hợp với nghĩa quân “áo đỏ” chống Minh. Cuộc khởi nghĩa đã gây cho quân Minh nhiều khó khăn và còn kéo dài cho tới tận khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ.

 

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta kéo dài 10 năm (1418 - 1428). Đất Tuyên Quang không nằm trong địa bàn của cuộc kháng chiến. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi có ghi về một trận đánh ở Lê Hoa quan: “Lê Hoa cùng Lô ở về Tuyên Quang. Lê Hoa là tên núi nay gọi là Lê Hoa quan. Khi Lê Thái Tổ khởi nghĩa, sai quan phòng ngự là Trần Ban sửa sang chỗ ấy. Sau chống cự chi binh của tướng Minh là Liễu Thăng ở đấy” (Nguyễn Trãi: Dư địa chí toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 228).

 

Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi đã kết thúc 20 năm đô hộ của nhà Minh, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc Việt Nam.

 

Nhân dân Tuyên Quang cùng nhân dân cả nước đã góp sức người, sức của vào thắng lợi chung ấy.

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG ĐỘI CẤN

Cơ quan chủ quản: UBND Thành phố Tuyên Quang

Đơn vị thường trực: Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao Thành phố Tuyên Quang

Trưởng Ban biên tập: Bà Trần Thị Hiền - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy

Địa chỉ: Phường An Tường, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang.

Điện thoại hỗ trợ: (02073) 823 300 - Fax: (02073) 823 300 - Email: thanhpho@tuyenquang.gov.vn

© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'www.tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang