Nạn lừa đảo xảy ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm hình sự, đa dạng về hình thức, phạm vi hoạt động xuyên quốc gia. Các đối tượng liên tục thay đổi phương thức, sử dụng nhiều thủ đoạn phạm tội mới; hoạt động tinh vi, chuyên nghiệp hơn; có sự móc nối, học tập kinh nghiệm của các băng nhóm tội phạm trên thế giới.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều hình thức khác nhau, nhắm đến mọi khía cạnh đời sống xã hội của người dân, với mỗi phương thức, các đối tượng đều xây dựng nhiều kịch bản tiếp cận khác nhau. Để nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho người dân khi tham gia hoạt động trên môi trường mạng, Cục An ninh mạng Bộ Công an đã xác định 11 phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay và ban hành Cẩm nang về dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến.
1. Lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ
2. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền.
3. Lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VneID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại.
4. Giả mạo cơ quan, tổ chức, cá nhân tuyển người mẫu, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu sau đó lôi kéo làm nhiệm vụ online.
5. Giả danh công ty tài chính, ngân hàng để hỗ trợ cho vay, nâng hạn mức tín dụng… sau đó yêu cầu chuyển tiền để làm thủ tục.
6. Giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức phát tán tin nhắn SMS Brandname chứa đường dẫn truy cập vào các website giả mạo yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc tải về ứng dụng độc hại.
7. Lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp… sau đó khóa, đánh cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn.
8. Lừa đảo tình cảm sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị.
9. Lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao.
10. Giả danh cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo.
11. Một số phương thức lừa đảo khác (cho số lô đề, chuyển nhầm tiền, lấy lại tài khoản mạng xã hội, gọi video nhạy cảm để tống tiền).
NGƯỜI DÂN CẦN LÀM GÌ SAU KHI BỊ LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN
- Khi nghi ngờ bản thân có biểu hiện đang bị lừa đảo qua mạng, hãy tìm kiếm thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng internet hoặc xin sự tư vấn từ bạn bè, người thân. Đừng ngại ngùng chia sẻ câu chuyện mình đang gặp phải, người bên ngoài sẽ luôn có tâm lý bình tĩnh, tỉnh táo hơn.
- Trình báo ngay sự việc đến cơ quan Công an nơi gần nhất để nhận được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
- Liên hệ với Ngân hàng chủ quản để báo cáo sự việc và đề nghị hỗ trợ.
- Lưu lại tất cả thông tin như lịch sử trò chuyện, các số điện thoại, tài khoản mạng xã hội liên quan, sao kê giao dịch ngân hàng và cung cấp cho cơ quan Công an khi trình báo.
- Cài đặt lại mật khẩu các tài khoản cá nhân trong trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hoặc bị tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử.
- Cảnh báo cho bạn bè, người thân về hình thức lừa đảo mình đã hoặc đang gặp phải nhằm chủ động phòng ngừa.
Linh Tiến Tùng - Phòng ANM và PCTPSDCNC